Chi tiết bản mô tả công việc trưởng phòng kinh doanh
Có phải bạn đang muốn tìm hiểu về mô tả công việc trưởng phòng kinh doanh? Bạn băn khoăn không biết vị trí này đóng vai trò gì? Hay làm thế nào để trở thành trưởng phòng kinh doanh? Tất cả những thắc mắc này sẽ được Govi giải đáp trong bài viết dưới đây.
Trưởng phòng kinh doanh là gì?
Trưởng phòng kinh doanh chính là người chịu trách nhiệm cho các hoạt động về tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Đồng thời, người này cũng sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm các cách làm hiệu quả giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và số lượng khách hàng. Đây là một vị trí có thể làm việc ở địa phương, khu vực hoặc quốc gia.
Trong quá trình bán hàng, trưởng phòng kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm quản lý và hỗ trợ đội ngũ đại diện bán hàng của mình. Hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm thiểu vai trò kinh doanh của trưởng phòng, gia tăng nhiệm vụ đối với đại diện bán hàng.
Mô tả công việc trưởng phòng kinh doanh
Công việc của một trưởng phòng kinh doanh thường không cố định, tùy thuộc vào từng công ty, doanh nghiệp mà có sự thay đổi. Thế nhưng, hầu hết mô tả công việc trưởng phòng kinh doanh sẽ xoay quanh 3 yếu tố chính. Cụ thể:
Quản lý con người, nhân sự
Đó là một trong những nhiệm vụ chính mà trưởng phòng kinh doanh cần làm. Nếu nắm giữ vị trí trưởng phòng, bạn không chỉ làm việc một mình mà sẽ cần có sự hỗ từ các nhân sự khác trong phòng của mình. Trưởng phòng sẽ phải lên các kế hoạch, chỉ tiêu, tiêu chuẩn khác cho các nhóm nhân viên trong phòng. Và tất cả những điều đó cần có tính thực tế, khả thi.
Bên cạnh đó, trưởng phòng kinh doanh còn là người thúc đẩy, tạo động lực cho các thành viên khác làm việc. Sẽ là người đảm bảo cho phòng hoạt động hiệu quả, là người thực hiện huấn luyện, đào tạo các nhân sự về chuyên môn. Đồng thời cũng là người tham gia vào quá trình setup nhân sự, tuyển dụng nhân sự mới. Trong doanh nghiệp, phòng kinh doanh được ví như một đơn vị độc lập.
Quản lý về công việc kinh doanh
Ngoài công việc quản lý nhân sự, công việc tiếp theo mà người đảm nhận vị trí này cần làm là quản lý các công việc liên quan đến kinh doanh. Họ sẽ phải dành nhiều thời gian trong công việc của mình cho các khách hàng/người tiêu dùng. Khi phụ trách công việc kinh doanh, những đầu mục họ cần làm như sau:
- Xác định mục tiêu kinh doanh gồm mở rộng thị trường, tăng doanh thu và các chương trình thu hút khách hàng.
- Xây dựng chiến lược kinh doanh.
- Phân tích dữ liệu liên quan đến khách hàng, công việc bán hàng cũng như kết quả kinh doanh. Từ đó đưa ra những dự đoán về doanh thu trong các giai đoạn tiếp theo.
- Làm các ngân sách, chi phí cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Làm việc với các phòng ban khác để đưa ra phương án kinh doanh, đặc biệt là bộ phận marketing.
Quản lý nhu cầu khách hàng
Công việc mà chiếm nhiều thời gian nhất của trưởng phòng kinh doanh chính là quản lý về nhu cầu của khách hàng, mối quan hệ của khách với doanh nghiệp. Để thúc đẩy doanh thu, trưởng phòng sẽ đưa ra những chương trình khuyến mại, giảm giá sao cho phù hợp với chính sách của công ty. Họ cũng chính là người duy trì mối quan hệ giữa người mua hàng và doanh nghiệp.
Khi xảy ra sự cố hay vấn đề phát sinh từ những phàn nàn của khách hàng, trưởng phòng kinh doanh là người tìm ra phương án để giải quyết hoặc báo cáo với cấp quản lý cao hơn trong thời gian sớm nhất.
Nhiệm vụ khác
Ngoài 3 công việc chính được nêu ở trên thì trong bảng mô tả công việc trưởng phòng kinh doanh còn cần thực hiện các công việc, nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo, ban giám đốc doanh nghiệp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào doanh nghiệp sẽ có những nội dung công việc khác nhau.
Những kỹ năng trưởng phòng kinh doanh cần có
Kỹ năng phân tích, đánh giá
Trong các công việc hàng ngày của trưởng phòng kinh doanh sẽ có một phần nhỏ là lập kế hoạch, điều tra và phân tích thị trường. Mục đích để lên kế hoạch cho chiến dịch quảng bá sản phẩm mới.
Bên cạnh đó, họ cũng là người tiếp nhận thông tin và kiểm chứng chúng. Vậy nên đòi hỏi trưởng phòng phải có kỹ năng phân tích, móc nối các sự kiện, thông tin có liên quan với nhau để đưa ra các kết luận. Sau đó tìm ra hướng đi cụ thể nhất có lợi cho việc quảng bá sản phẩm.
Hiểu rõ tâm lý khách hàng
Trưởng phòng kinh doanh là người chịu trách nhiệm lập kế hoạch chuẩn bị cho các chiến dịch quảng bá những sản phẩm tiếp theo. Hơn ai hết, họ phải là người hiểu rõ và nắm bắt được tâm lý khách hàng. Một chiến dịch marketing có thành công không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là đánh trúng tâm lý khách hàng. Có thể nói đây là một kỹ năng mềm rất quan trọng mà người đứng đầu phòng kinh doanh phải nắm được.
Lắng nghe và phản hồi
Kỹ năng lắng nghe rất quan trọng với trưởng phòng để tiếp thu ý kiến, đề xuất của nhân viên. Sau đó đưa ra ý kiến của bản thân, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của từng kế hoạch mà nhân viên vạch ra. Nhờ vậy mà họ có thể đưa ra hướng đi khả thi nhất, khơi dậy khả năng sáng tạo, tính thông minh và nhạy bén.
Định hướng dịch vụ
Để xây dựng niềm tin và giữ chân khách hàng, mỗi doanh nghiệp phải đưa ra các chiến lược dịch vụ khách hàng. Khách hàng không muốn mình bị bỏ rơi sau khi mua hàng của bạn. Cái họ cần là được trợ giúp và giải đáp thắc mắc những vấn đề đang gặp phải. Với vai trò là một trưởng phòng kinh doanh, bạn phải vạch ra và định hướng dịch vụ cho các sản phẩm của doanh nghiệp. Phải làm sao để nhận được phản hồi tích cực, đánh giá dịch vụ tốt từ phía khách hàng.
Lập kế hoạch và tổ chức
Ngoài công việc phải báo cáo kế hoạch, tiến độ công việc với cấp trên thì trưởng phòng còn chịu trách nhiệm lên kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm. Do đó, khả năng lập kế hoạch là kỹ năng tiếp theo đòi hỏi một trưởng phòng kinh doanh phải có. Không những thế, phụ trách công việc này bạn còn phải là người giám sát, phân tích số liệu và tổng kết doanh số của từng nhân viên đạt được. Các nhiệm vụ này đòi hỏi kỹ năng tổ chức để sắp xếp các công việc một cách hợp lý.
Kỹ năng lãnh đạo
Để có thể trở thành một người trưởng phòng kinh doanh giỏi, chìa khóa thành công nằm ở kỹ năng lãnh đạo. Kỹ năng này gồm cả kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết các xung đột, xích mích giữa các thành viên trong nhóm; khả năng giao tiếp, thuyết trình và động viên cấp dưới của mình trong những trường hợp xấu nhất.
Khi nắm giữ cho mình được những kỹ năng trên chắc chắn bạn có đủ điều kiện để trở thành một nhân viên kinh doanh chuyên nghiệp. Không những thế, kỹ năng chuyên môn giỏi sẽ là một người lãnh đạo, quản lý có năng lực được cấp dưới tin tưởng.
Mức lương của trưởng phòng kinh doanh
Mức lương của mỗi trưởng phòng kinh doanh sẽ có sự thay đổi tùy thuộc vào trình độ, vào quy mô doanh nghiệp hay do những tác nhân từ bên ngoài. Dưới đây là những yếu tố có sức ảnh hưởng lớn tới mức lương của vị trí này.
Theo kinh nghiệm
Đây là một vị trí quản lý cấp cao, nắm giữ vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp. Vì thế mức thu nhập dành cho những người có nhiều kinh nghiệm hoặc từng làm việc lâu sẽ vô cùng hấp dẫn. Ngược lại, nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, vừa mới thăng chức thì mức lương nhận được sẽ ít hơn. Điều này phù hợp với quy luật chung ở tất cả các ngành nghề khác.
Mức lương cho một người tích lũy nhiều kinh nghiệm có thể lên đến 20 – 30 triệu đồng/tháng. Còn mức lương từ 10 – 15 triệu đồng/tháng dành cho những người mới đảm nhận vị trí này. Điều đó thể hiện sự khác nhau giữa người dày dặn kinh nghiệm và người chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Kinh nghiệm được thể hiện qua việc bạn có thời gian gắn bó với doanh nghiệp trong bao lâu, bạn đảm nhận vị trí trong một vài năm hay nhiều hơn nữa. Cứ mỗi một năm, bạn sẽ được hưởng chế độ tăng lương của Nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có quy định tăng lương riêng nên khi có nhiều kinh nghiệm, làm việc hiệu quả thì bạn có cơ hội đạt mức lương cao.
Theo quy mô doanh nghiệp
Khi nhắc đến mức lương của trưởng phòng kinh doanh, một yếu tố mà chúng ta cần xem xét chính là quy mô doanh nghiệp. Trên thực tế, mức lương được các doanh nghiệp chi trả theo điều kiện tài chính cho phép. Ví dụ như doanh nghiệp có khả năng tạo ra doanh thu có thì đồng nghĩa họ sẽ trả lương cho nhân viên rất hậu hĩnh.
Thu nhập chỉ dao động trong khoảng 10 – 20 triệu đồng/tháng nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà có quy mô vừa hoặc nhỏ. Trong khi đó, mỗi tháng bạn có thể nhận về 30 – 40 triệu đồng/tháng khi làm việc ở đơn vị quy mô lớn hơn. Dù có sự chênh lệch nhưng đó vẫn là con số đáng mơ ước với những người đang đi tìm việc.
Theo khu vực làm việc
Theo điều tra thực tế, mức lương của trưởng phòng kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi khu vực làm việc. Tại các khu vực thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mức lương của vị trí trưởng phòng kinh doanh cao hơn so với những người làm việc cũng vị trí ở các tỉnh lẻ.
Thông thường mức lương rơi vào khoảng 15 – 30 triệu đồng/tháng ở các thành phố lớn. Thậm chí, có thể lên tới 40 – 50 triệu đồng/tháng nếu có doanh thu tăng cao. Mặt khác, ở khu vực tỉnh lẻ họ sẽ sở hữu nguồn thu nhập thấp hơn rơi vào khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng. Sở dĩ có sự khác biệt này bởi mức chi tiêu từng khu vực khác nhau. Những nơi mức chi tiêu đắt đỏ đồng nghĩa với thu nhập cần được điều chỉnh để thích nghi với điều kiện sinh sống.
Qua bài viết trên Govi đã chia sẻ đến bạn những thông tin về mô tả công việc trưởng phòng kinh doanh cũng như kỹ năng cần có và mức lương đạt được. Hy vọng bài viết đã giúp bạn dễ dàng hình dung hơn về công việc này trước khi ứng tuyển vào làm việc trong các doanh nghiệp.